Từng bước xây dựng, phát triển và trưởng thành
Từ sau ngày Thống nhất Đất nước, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tập trung vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành Y tế không ngừng phát triển và trưởng thành. Các nghị quyết của Đảng về công tác Y tế như: Nghị quyết TW 4 khóa VII (1992), Nghị quyết 7 của Thành ủy, Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Huyện ủy (1996) nhanh chóng được đi vào cuộc sống. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND và Sở Y tế Hải Phòng; cùng với sự phấn đấu nỗ lực của tập thể cán bộ ngành y; Y tế Thủy Nguyên từ Huyện đến xã đã trưởng thành nhanh chóng.
Hơn mười năm đầu sau giải phóng đất nước, mô hình tổ chức y tế tuyến huyện gồm có Phòng Y tế chỉ đạo hoạt động Bệnh viện, Đội y tế dự phòng và của các Trạm Y tế xã. Từ năm 1989 mô hình Trung tâm y tế được thực hiện tại Thủy Nguyên. Bệnh viện huyện là bộ phận cấu thành của TTYT, công tác khám chữa bệnh và công tác phòng chống dịch được lồng ghép thực hiện từ huyện đến xã, dưới sự chỉ đạo tập trung của Giám đốc Trung tâm y tế.
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các Trạm y tế xã ngày càng được củng cố và phát triển, đáp ứng tốt được yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu và phòng chống dịch bệnh. Cơ sở vật chất của Trạm Y tế được quan tâm sửa chữa và nâng cấp, đảm bảo có đủ phòng làm việc, trang thiết bị y tế và thuốc men để thực hiện tốt công tác chuyên môn. Cán bộ nhân viên công tác tại Trạm Y tế cũng được bổ sung đủ cho yêu cầu nhiệm vụ. Mỗi Trạm được biên chế từ 4 đến 5 cán bộ (cơ cấu có đủ các thành phần: Y sĩ, y tá, dược tá, hộ sinh, cán bộ làm công tác y học cổ truyền...) để đảm bảo thực hiện công tác khám chữa bệnh ban đầu, công tác dược, công tác sản và thực hiện các chương trình y tế quốc gia... Công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế xã luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm. Từ năm 1996, Trung tâm y tế Thủy Nguyên đã liên kết với Trường đại học Y khoa Hải Phòng tổ chức chiêu sinh và đào tạo cho tuyến xã được hơn 40 bác sĩ. Đội ngũ bác sĩ này sau khi tốt nghiệp đều trở lại phục vụ tại các Trạm Y tế quê nhà và đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn tại xã. Nghị quyết 10 Huyện ủy phấn đấu đến năm 2000 có 50% Trạm Y tế xã có bác sĩ. Năm 1996 chỉ có 3 trên tổng số 36 Trạm Y tế có bác sĩ (thời điểm này xã Lưu Kỳ chưa được tách ra từ xã Lưu Kiếm), đến năm 2001 TTYT Thủy Nguyên đã hoàn thành 100% Trạm Y tế có bác sĩ làm việc (một số trạm có 2 bác sĩ).
Thủy Nguyên là một huyện rộng, dân số đông, địa hình phức tạp, là đầu mối giao thông thủy bộ, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng lại đặt ra nhiều khó khăn cho công tác Phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm. Tuy vậy, với tinh thần yêu nghề, tận tụy với công việc, cán bộ y tế Thủy Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia được cấp trên ghi nhận và khen ngợi. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được phát hiện kịp thời, khoanh vùng và dập tắt ngay, không để dịch lan rộng gây nguy hại cho sức khỏe của nhân dân. Điển hình là vụ dịch tả tháng 6 năm 1976 xảy ra tại xã Lập Lễ. Dịch bệnh đã được phát hiện kịp thời, ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tập trung dập dịch thành công. Sau 20 ngày đêm chiến đấu với dịch tả, đã cấp cứu và điều trị được 956 người bệnh mắc tả. Thành công chống dịch của Y tế Thủy Nguyên đã được các địa phương khác tìm hiểu, học tập.
Năm 1979, Bộ Y tế phát động phong trào “5 dứt điểm”. Nội dung chủ yếu là:
Thủy Nguyên là địa phương có nhiều thành tích xuất sắc thực hiện phong trào “5 dứt điểm”, được Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân và đoàn cán bộ y tế của Liên Xô cũ về thăm. Các chương trình y tế có mục tiêu cũng được thực hiện đạt hiệu quả cao ở Thủy Nguyên như: Chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình CSSKSS-KHHGĐ, Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng. Chương trình phòng chống sốt rét, phòng chống phong, bại liệt... Nhờ thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, Thủy Nguyên đã thanh toán được bệnh phong, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, khống chế bệnh sởi... Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và trẻ đẻ ra có trọng lượng nhỏ hơn 2500 gam ngày càng giảm. Giảm tai biến sản khoa. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong toàn huyện.
Nhiều Trạm Y tế của Thủy Nguyên trở thành mô hình chuẩn của Bộ Y tế về cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn. Trạm Y tế xã Lập Lễ là một trong số những trạm tiêu biểu của huyện Thủy Nguyên. Với những thành tích xuất sắc đạt được trong nhiều năm liên tục, Trạm đã vinh dự được đón nhận nhiều tặng thưởng cao quý của các cấp và của Bộ Y tế. Năm 1994, Trạm được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III. Cá nhân đồng chí Đinh Thành Vân, Trưởng trạm nhiều năm gắn bó và cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Đồng chí Đinh Thành Vân là y sĩ ở tuyến xã đầu tiên của cả nước được phong tặng danh hiệu cao quý trong đợt này.
Toàn cảnh bệnh viện năm 1992
Đồng hành phát triển và trưởng thành cùng với các trạm y tế, Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên đã không ngừng đổi mới đi lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Bệnh viện từng bước được nâng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của nhân dân đối với công tác khám chữa bệnh. Những năm đầu sau thống nhất đất nước, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của Bệnh viện còn rất nghèo nàn. Bệnh viện chỉ có 5-6 dãy nhà cấp 4 để đáp ứng cho hơn 100 giường bệnh. Trang bị máy móc phục vụ cho khám chữa bệnh chỉ có một máy X-quang nửa sóng, một số kính hiển vi của phòng xét nghiệm. Đội ngũ cán bộ chuyên môn rất thiếu, cả Bệnh viện chỉ có 4-5 bác sĩ, số còn lại là y sĩ và y tá. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng với sự phấn đấu nỗ lực của tập thể cán bộ viên chức, Bệnh viện từng bước phát triển và trưởng thành. Cơ sở vật chất được nâng cấp; đội ngũ cán bộ chuyên môn được bồi dưỡng, đào tạo và bổ sung ngày một lớn mạnh. Bệnh viện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ năm 1989, hệ thống tổ chức bộ máy của Trung tâm Y tế Thủy Nguyên gồm có:
Ban Giám đốc:
+ BS Vũ Quang Điềm
+ BS Bùi Xuân Hướng
+ BS Vũ Trọng Hồng
+ BS Vũ Thị Bích
- 3 Phòng chức năng: Tổ chức hành chính, Kế hoạch tổng hợp, Tài chính kế toán.
- 9 Khoa chuyên môn: Khoa Khám bệnh trung tâm, Khoa Nội tổng hợp, Liên khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi, Ngoại tổng hợp, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Sản phụ, Khoa Đông y, Khoa Dược, Liên khoa Xét nghiệm - Xquang.
- 4 Phòng khám đa khoa khu vực: Minh Đức, Lưu Kiếm, Quảng Thanh, Phả Lễ
- 2 Đội: Đội Y tế dự phòng, Đội Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình (Đội CSSKBMTE-KHHGD).
- 36 Trạm Y tế xã.
Nhiệm vụ của TTYT được chia thành hai mảng lớn, công tác khám chữa bệnh và công tác phòng chống dịch.
- Dưới sự chỉ đạo tập trung của TTYT, Đội Y tế dự phòng và Đội CSSKBMTE-KHHGĐ đã phối kết hợp cùng với mạng lưới y tế xã thực hiện đạt kết quả tốt các chương trình y tế quốc gia, như:
+ Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới một tuổi các mũi vacxin phòng lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi đạt 98%-99%.
+ Chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Số phụ nữ sinh con thứ 3 giảm. Giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của toàn huyện.
+ Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng: Làm tốt công tác tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ, “tô màu” bát bột của trẻ, tổ chức cho trẻ uống vitamin A và bổ sung vi chất dinh dưỡng, kiểm tra cân nặng cho trẻ hàng tháng... Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng năm sau giảm hơn năm trước.
+ Các chương trình quản lý các bệnh xã hội như: Phong, lao, tâm thần; Chương trình phòng chống mù lòa; Chương trình phòng chống sốt rét, bướu cổ; Chương trình Phòng HIV/AIDS... đều được thực hiện đạt hiệu quả cao.
- Hoạt động khám chữa bệnh luôn được quan tâm phát triển, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật được quan tâm củng cố và giám sát thực hiện nghiêm ngặt. Tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân và chất lượng chuyên môn trong công tác khám chữa bệnh không ngừng được nâng cao, thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Hằng năm, TTYT Thủy Nguyên đã khám và điều trị bệnh cho hàng vạn lượt người. Công suất giường bệnh đạt từ 80%-100%. Các khoa, phòng, đội của Trung tâm thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến trước, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế xã. Trung tâm thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm việc ở cả huyện và xã. Vì vậy, lực lượng cán bộ y tế Thủy Nguyên không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Năm 1998, TTYT Thủy Nguyên có 188 cán bộ làm việc ở tuyến huyện (trong đó có 05 BSCKI, 27 bác sĩ, 02 dược sĩ đại học), 124 cán bộ làm việc tại tuyến xã (trong đó có 02 bác sĩ, 67 y sĩ, 13 y tá và hộ sinh trung học).
Bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm đẩy mạnh. Hằng năm, Trung tâm có từ 18 đến 20 đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài được áp dụng đã đem lại lợi ích lớn cho nhân dân của huyện. Điển hình như đề tài: “Ứng dụng truyền máu hoàn hồi cho bệnh nhân trong phẫu thuật chửa ngoài tử cung vỡ tại TTYT Thủy Nguyên” của BS Bùi Xuân Hướng đã cứu sống nhiều bệnh nhân trong cơn hiểm nghèo (thời điểm đó, điều kiện để truyền máu cấp cứu rất khó khăn, chỉ thực hiện được ở tuyến thành phố); đề tài: “Các giải pháp để phủ kín bác sĩ cho các trạm y tế xã” của BS Vũ Trọng Hồng đã rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu phủ kín bác sĩ cho các trạm y tế của Nghị quyết 10 Ban Thường vụ Huyện ủy Thủy Nguyên về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Với nhiều thành tích xuất sắc đã đạt được trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, TTYT Thủy Nguyên đã được cấp trên khen tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1996, Trung tâm Y tế Thủy Nguyên đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước trao tăng.
Các đồng chí lãnh đạo đứng đầu ngành Y tế Thủy Nguyên giai đoạn này:
- Từ năm 1967-1976: BS Hồ Vĩnh San là Giám đốc Bệnh viện
- Từ năm 1977-1985: BS Phạm Văn Thân là Trưởng phòng Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện
- Từ năm 1986-1988: BS Bùi Xuân Hướng là Giám đốc Bệnh viện
- Từ năm 1989-1998: BS Vũ Quang Điềm là Giám đốc TTYT Thủy Nguyên.
BẢN QUYỀN © 2021 THUỘC VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THỦY NGUYÊN. THIẾT KẾ WEBSITE BỆNH VIỆN BỞI 3SSOFT.VN