Công tác xã hội là một lĩnh vực khó và mới đối với các đơn vị y tế. Đây không chỉ là một công việc "gói gọn" trong lĩnh vực y tế mà liên quan tới nhiều vấn đề khác như: xã hội, văn hóa, truyền thông, marketing... Công tác xã hội đã và đang góp phần tạo sự bình đẳng, công bằng trong y tế.
Năm 2010 là năm đánh dấu sự ra đời của ngành Công tác xã hội tại Việt Nam kể từ khi Đề án 32 về “Phát triển nghề Công tác xã hội tại Việt Nam, giai đoạn 2010 - 2020” được phê duyệt. Đề án tập trung vào sự phát triển của nghề Công tác xã hội thông qua các văn bản pháp lý mở đường cho sự hình thành và phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam. Vì vậy, ngành công tác xã hội còn rất mới mẻ đối với xã hội nói chung, với ngành Y tế nói riêng.
Trong khi đó, tại các nước phát triển công tác xã hội trong bệnh viện được đánh giá rất quan trọng và có đội ngũ nhân viên rất lớn. Vì tại bệnh viện, nhân viên công tác xã hội là một phần trong ê kíp trị liệu cho người bệnh, có nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh trên cơ sở thu thập thông tin về điều kiện sống, thói quen, cá tính, đặc điểm tâm lý của người bệnh. Họ còn thực hiện các trợ giúp tâm lý với người bệnh như: trấn an, tham vấn tâm lý, tư vấn điều trị…Nhân viên công tác xã hội cũng có thể tham gia kế hoạch xuất viện cho người bệnh và theo dõi người bệnh sau khi xuất viện…
Bác sĩ Chuyên khoa cấp 2 Phạm Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu chúc mừng tại Lễ kỷ niệm
Công tác xã hội trong y tế là một nghề chuyên biệt của ngành công tác xã hội. Tại Việt Nam, Thông tư số 43/2015/TT-BYT ngày 26/11/2015 của Bộ Y tế được coi là văn bản pháp lý, nền tảng đầu tiên đưa công tác xã hội vào môi trường y tế. Thông tư ban hành quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện. Mặc dù công tác xã hội tại các cơ sở tại Việt Nam đang có những bước đầu phát triển, còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống xã hội. Tại các đơn vị y tế, Phòng/Tổ Công tác xã hội đang dần trở thành một địa chỉ quen thuộc, nơi người bệnh, nhân viên y tế, người lao động ... tìm tới để nhận được những sự chia sẻ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần trong quá trình khám chữa bệnh và làm việc.
Đồng Chí Nguyễn Đắc Khoa - Trưởng phòng Công tác xã hội nhận hoa chúc mừng của Lãnh đạo Bệnh viện
Phòng Công tác xã hôi của Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên được thành lập từ tháng 9 năm 2016. Sau gần 7 năm đi vào hoạt động, phòng đã tổ chức được nhiều hoạt động hỗ trợ người bệnh như: tổ chức tiếp đón, hướng dẫn quy trình thủ tục khám, chữa bệnh; giải thích, tư vấn về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế; vận động tài trợ về vật chất và vật tư - thiết bị y tế cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn; huy động và điều phối nguồn lực thông qua truyền thông; giải quyết các vấn đề vướng mắc của người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện... Các hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên đã và đang chia sẻ áp lực với nhân viên y tế đóng góp và sự phát triển trong cơ chế tự chủ của Bệnh viện.
Tập thể Phòng Công tác xã hội chụp ảnh kỷ niệm cùng Lãnh đạo Bệnh viện
Với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Nhân ngày 25/3, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên đã chúc mừng các kết quả đạt được và những đóng góp quan trọng của Phòng Công tác xã hội trong thời gian qua và hy vọng rằng trong thời gian tới hoạt động Công tác xã hội trong Bệnh viện sẽ ngày càng phát triển, đạt nhiều thành công hơn nữa hằm hướng tới mục tiêu "Công tác xã hội chuyên nghiệp - Sáng tạo và phát triển", kết nối và lan tỏa tình yêu thương tới người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.
Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên
BẢN QUYỀN © 2021 THUỘC VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THỦY NGUYÊN. THIẾT KẾ WEBSITE BỆNH VIỆN BỞI 3SSOFT.VN