TÓM TẮT
Nghiên cứu được tiến hành nhằm tổng kết số liệu tiêu thụ kháng sinh tại Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên từ năm 2021 đến 2023. Các thông tin được thu thập cho quá trình đánh giá sử dụng kháng sinh theo tiêu chuẩn định trước. Cơ cấu tiêu thụ kháng sinh theo giá trị sử dụng và theo liều xác định hàng ngày DDD được tổng kết và mô tả. Kết quả cho thấy kháng sinh chiếm tỷ lệ 10-15% số khoản mục thuốc trong bệnh viện và chiếm 20-30% tổng tiền thuốc toàn viện. Beta-lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất chiếm 60% khoản mục kháng sinh và trên 80% tiền thuốc kháng sinh toàn viện. Cephalosporin thế hệ 3 là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất trong đó cefoperazon chiếm tỷ lệ cao nhất trong các kháng sinh được sử dụng. Kháng sinh generic, kháng sinh có nguồn gốc sản xuất trong nước và kháng sinh đơn thành phần chiếm tỷ lệ chủ yếu trong danh mục kháng sinh sử dụng tại bệnh viện. Đường dùng phổ biến của kháng sinh là đường tiêm (chiếm > 45% khoản mục và > 70% tiền thuốc kháng sinh toàn viện). Khoa Nội Tim mạch-Hô hấp là khoa có tỷ lệ cao nhất về khoản mục và giá trị sử dụng (chiếm > 50% số khoản mục và khoảng 20% giá trị tiền thuốc kháng sinh). Về mức độ tiêu thụ kháng sinh, beta-lactam là nhóm kháng sinh có mức độ tiêu thụ lớn nhất với giá trị DDD/100 ngày nằm viện dao động trong khoảng 35-45DDD trong đó Cefoperazon có mức tiêu thụ cao nhất (9-24DDD/100 ngày nằm viện). Các khoa có tổng lượng DDD lớn nhất trong ba năm nghiên cứu bao gồm: Sản, Nội tim mạch-hô hấp, Ngoại tổng hợp và Khoa Bệnh nhiệt đới. Khối liên chuyên khoa và hai khoa lâm sàng gồm Mắt và Răng-Hàm-Mặt có tổng lượng DDD thấp nhất nhưng có mức độ tiêu thụ kháng sinh lớn nhất. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động theo dõi, quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, đánh giá hiệu quả của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh theo Quyết định số 5631/QĐ-BYT [1] và QĐ số 2115/QĐ-BYT [2] từ đó đưa ra các giải pháp can thiệp nhằm đảm bảo việc sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn, hiệu quả, giảm kháng thuốc.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Sử dụng kháng sinh không hợp lý dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt gia tăng tỷ lệ đề kháng kháng sinh làm giảm hiệu quả và tăng chi phí điều trị. Hiện nay, tình trạng đề kháng kháng sinh đang ngày càng gia tăng và trở thành mối đe dọa lớn trên toàn cầu. Trước thực tế đó các cơ sở điều trị cần có các biện pháp hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng kháng sinh an toàn và hợp lý. Một trong các biện pháp đó là triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện theo Quyết định số 2115/QĐ-BYT [2], trong đó tính toán tiêu thụ kháng sinh theo liều xác định hàng ngày DDD/100 ngày nằm viện.
Nguồn: WHO
Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên là bệnh viện hạng hai có quy mô theo kế hoạch đạt 500 giường nội trú. Với mô hình bệnh tật có tỷ lệ cao các bệnh nhiễm khuẩn thì kháng sinh là nhóm thuốc chiếm phần lớn trong giá trị sử dụng thuốc. Xuất phát từ thực tế trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm tổng kết thực trạng tiêu thụ kháng sinh tại Bệnh viện giai đoạn 2021-2023 từ đó đưa ra các giải pháp trong quản lý, sử dụng kháng sinh, nhằm đảm bảo sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý và giảm đề kháng.
Nguồn: WHO
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
Cơ sở dữ liệu về số lượng tiêu thụ kháng sinh và số ngày nằm viện của người bệnh tại các khoa lâm sàng và toàn Bệnh viện giai đoạn 01/9/2020-31/8/2023 được lưu trữ trong phần mềm Quản lý bệnh viện của Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên.
Tiêu chuẩn loại trừ: Dữ liệu về kháng sinh dùng tại chỗ, số lượng tiêu thụ kháng sinh tại phân viện Minh Đức, Cơ sở điều trị II Quảng Thanh và khoa Nhi.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu hồi cứu thông qua phân tích định lượng kháng sinh dựa trên chi phí và số liều DDD/100 ngày nằm viện tại các khoa lâm sàng và toàn viện giai đoạn 2021-2023.
3. Xử lý dữ liệu
Toàn bộ dữ liệu được nhập, xử lý trên phần mềm Microsoft Office Excel 2010. Tính DDD/100 ngày giường của hoạt chất kháng sinh.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Cơ cấu thuốc kháng sinh trên tổng giá trị sử dụng thuốc toàn viện giai đoạn 2021-2023
Kết quả cho thấy tỷ lệ khoản mục kháng sinh năm 2021 chiếm 15,3%, giảm xuống trong năm 2022 (11,7%) và vẫn tiếp tục giảm trong năm 2023 (13,0%). Năm 2021, nhóm kháng sinh chiếm 24,4% tổng số tiền thuốc sử dụng trong toàn viện, đến năm 2022 tăng lên 31,4% sang năm 2023 thì giảm cả về tỷ lệ khoản mục (13,0%) và tiền thuốc sử dụng (23,7%).
2. Cơ cấu thuốc kháng sinh theo nhóm cấu trúc hóa học
Nghiên cứu cho thấy kháng sinh được sử dụng tại Bệnh viện bao gồm 7 nhóm: beta-lactam (penicillin, cephalosporin thế hệ 1, cephalosporin thế hệ 2, cephalosporin thế hệ 3), aminosid,co-trimoxazol, lincosamid, macrolid, nitroimidazol, quinolon. trong đó beta-lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất trong cả ba năm, chiếm > 60% số khoản mục và > 80% tiền thuốc kháng sinh. Nghiên cứu cũng chỉ ra cephalosporin thế hệ 3 chiếm tỷ lệ cao nhất về khoản mục và giá trị sử dụng trong các kháng sinh beta-lactam. Các nhóm kháng sinh khác chiếm tỷ lệ không đáng kể.
3. Cơ cấu thuốc kháng sinh theo một số tiêu chí khác
Kháng sinh đường tiêm chiếm tỷ lệ cao hơn về khoản mục và giá trị sử dụng so với kháng sinh đường uống trong cả ba năm nghiên cứu. Tỷ lệ khoản mục kháng sinh đường tiêm tăng dần theo các năm 2021 (48,1%), 2022 (54,1%), 2023 (62,1%) nhưng tỷ lệ giá trị sử dụng năm 2023 lại giảm xuống so với hai năm 2021, 2022 (tỷ lệ giá trị sử dụng kháng sinh năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là 78,3%, 82,8%, 74,9%). Kháng sinh có nguồn gốc sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ chủ yếu cả về khoản mục và giá trị sử dụng (chiếm > 75%). Kháng sinh đơn thành phần chiếm tỷ lệ vượt trội về số khoản mục và giá trị sử dụng so với kháng sinh đa thành phần (84,8% số khoản mục và 97% giá trị năm 2021; 80,3% và 89,4% năm 2022, 82,8% và 89,3% năm 2023).
4. Mức độ tiêu thụ kháng sinh theo liều DDD/100 ngày nằm viện
Kết quả cho thấy betalactam là kháng sinh có mức độ tiêu thụ lớn nhất với giá trị DDD/100 ngày nằm viện dao động trong khoảng 34-45DDD, trong đó cefoperazon có mức tiêu thụ lớn nhất với giá trị dao động 9-24DDD. Kết quả thể hiện trong bảng dưới đây:
Bảng mô tả số DDD/100 ngày giường của các nhóm kháng sinh
TT | Nhóm kháng sinh | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | |||
Tổng liều DDD | DDD /100 ngày giường | Tổng liều DDD | DDD /100 ngày giường | Tổng liều DDD | DDD /100 ngày giường | ||
1 | Beta-lactam | 56.516,7 | 42,8 | 53.891,6 | 43,5 | 48.999,1 | 36,2 |
1.1 | Penicilin | 16.063,7 | 12,2 | 16.177,8 | 13,1 | 11.997,0 | 8,9 |
1.2 | Cephalosporin 1 | 7.236,8 | 5,5 | 2.017,7 | 1,6 | 6.351,7 | 4,7 |
1.3 | Cephalosporin 2 | 3.792,4 | 2,9 | 2.781,5 | 2,2 | 3.399,3 | 2,5 |
1.4 | Cephalosporin 3 | 29.423,8 | 22,3 | 32.914,6 | 26,6 | 27.251,1 | 20,1 |
2 | Lincosamid | 18,3 | 0,0 | 215,0 | 0,2 | - | - |
3 | Macrolid | 1.539,7 | 1,2 | 5.097,7 | 4,1 | 42,0 | 0,0 |
4 | Nitroimidazol | 2.666,4 | 2,0 | 1.396,7 | 1,1 | 2.812,3 | 2,1 |
5 | Aminosid | 4.023,3 | 3,0 | 3.606,8 | 2,9 | 4.247,2 | 3,1 |
6 | Quinolon | 9.072,5 | 6,9 | 3.647,0 | 2,9 | 8.645,7 | 6,4 |
Toàn viện | 73.836,9 | 55,9 | 67.854,8 | 54,8 | 64.746,4 | 47,8 |
Kháng sinh được sử dụng nhiều nhất ở 4 khoa là Sản, Nội Tim mạch-Hô hấp, Ngoại tổng hợp và khoa Bệnh nhiệt đới, chiếm trên 50% tổng liều DDD, trong đó khoa Sản có tổng lượng DDD nhiều nhất trong năm 2021 (15.383,9DDD, chiếm 22,2%), khoa Nội Tim mạch-Hô hấp có tổng lượng DDD nhiều nhất trong năm 2022 (16.976,1DDD, chiếm 25,0%) và năm 2023 (14.902,5DDD, chiếm 23,0%).
Hai khoa lâm sàng là khoa Mắt và Răng-Hàm-Mặt có tổng lượng DDD thấp nhất nhưng có mức độ tiêu thụ kháng sinh lớn nhất so với các khoa khác trong cả ba năm nghiên cứu. Tổng lượng DDD và giá trị DDD/100 ngày giường của Khoa Mắt lần lượt là 2.443,9DDD và 173,1(2021), 1.808,1DDD và 152,5(2022), 2.223,8DDD và 148,0 (2023), Khoa Răng-Hàm-Mặt là 792,6DDD và 114,0 (2021), 526,4DDD và 104,7 (2022), 588,7DDD và 61,6 (2023).
Nghiên cứu cũng thể hiện khối liên chuyên khoa là khối lâm sàng có tổng lượng DDD thấp nhất nhưng giá trị DDD/100 ngày nằm viện cao nhất trong các khối lâm sàng.
BÀN LUẬN
Nghiên cứu đã cho thấy kháng sinh là nhóm thuốc có số khoản mục và chi phí sử dụng lớn (chiếm khoảng 10-15% tỷ lệ khoản mục và 20-30% giá trị tiền thuốc toàn viện), kết quả này tương đồng với tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc kháng sinh của Bệnh viện Quân y 354 năm 2017 (24,75%) [3], thấp hơn tỷ lệ kháng sinh sử dụng tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam năm 2013 (45%) [4]. Tỷ lệ khoản mục và giá trị sử dụng của thuốc kháng sinh cao là do đặc thù của bệnh viện là bệnh viện đa khoa với cơ cấu bệnh tật đa dạng, có nhiều mặt bệnh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh sử dụng trong điều trị phần lớn là các thuốc dùng đường tiêm truyền (chiếm 50% - 60% tỷ lệ khoản mục đường dùng, 70-80% giá trị tiền thuốc kháng sinh), có giá thành cao nên tổng giá trị sử dụng thuốc kháng sinh của toàn viện chiếm tỷ lệ lớn so với tổng tiền thuốc toàn viện.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, thuốc kháng sinh nhóm beta-lactam chiếm tỷ lệ cao nhất trong cả ba năm với tỷ lệ về khoản mục và giá trị sử dụng là 65,8% và 84,3% (năm 2021), 64,0% và 92% (năm 2022), 68,9% và 87,5% (năm 2023), trong đó cephalosporin thế hệ 3 là phân nhóm được sử dụng nhiều nhất trong nhóm beta-lactam. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ giá trị sử dụng kháng sinh tại tại Bệnh viện Quân y 354 năm 2017, với kháng sinh nhóm beta-lactam chiếm 40,6% khoản mục và 56,5% giá trị sử dụng [3] và với nghiên cứu tại Trung tâm Y tế huyện An Phú năm 2018, beta-lactam (49,0 % khoản mục; 92,0 % giá trị) [5]. Các cephalosporin thế hệ ba, chủ yếu là ceftriaxon là loại kháng sinh được chỉ định phổ biến nhất ở Châu Á, Châu Mỹ Latinh và các nước thuộc khu vực phía nam và đông Châu Âu [6]. Như vậy, đa số các bệnh viện hiện nay sử dụng thuốc kháng sinh nhóm beta-lactam, mặc dù mức độ sử dụng kháng sinh là khác nhau ở từng quốc gia, bệnh viện nhưng các nghiên cứu đều có một điểm chung là lượng kháng sinh sử dụng nhiều và xu hướng sử dụng kháng sinh chủ yếu là nhóm beta-lactam, đặc biệt là phân nhóm cephalosporin thế hệ 3.
Các thuốc sử dụng tại bệnh viện chủ yếu là các thuốc generic (lần lượt có giá trị tương ứng với các năm 2021, 2022, 2023 là 96,2% và 96,3%, 96,7%và 98,9%, 93,1% và 96,9%. Kết quả này cao hơn trong nghiên cứu tại Bệnh viện Quân y 354 khi thuốc kháng sinh generic cũng được ưu tiên sử dụng (86,8% khoản mục; 79,0% giá trị) [3]. Theo Thông tư 21/2013/TT-BYT quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện, nguyên tắc xây dựng danh mục thuốc là ưu tiên thuốc generic [7]. Kết quả nghiên cứu cho thấy chính sách quản lý của bệnh viện, các thuốc biệt dược gốc, có giá thành cao được hạn chế sử dụng, được sử dụng cho những đối tượng cần thiết, đặc biệt. Bệnh viện đã chú trọng đến việc lựa chọn các thuốc generic thay thế cho các thuốc biệt dược gốc nhằm giảm chi phí điều trị. Điều này giúp tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho người bệnh, đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngân sách Bệnh viện.
Về nguồn gốc xuất xứ, thuốc kháng sinh sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ chủ yếu trong danh mục kháng sinh sử dụng tại bệnh viện với tỷ lệ khoản mục và giá trị sử dụng là 83,9% và 16,1%(năm 2021), 92,8% và 7,2% (năm 2022), 86,8% và 13,2% (năm 2023). Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Y tế huyện An Phú, tỉnh An Giang, giá trị thuốc kháng sinh sản xuất trong nước cũng chiếm tỷ lệ cao (82,2%) [5] và ngược lại với kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Quân y 354, giá trị thuốc kháng sinh nhập khẩu lại chiếm tỷ lệ cao (81,0 %) [3]. Điều này cho thấy chính sách của Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên trong việc ưu tiên sử dụng các thuốc kháng sinh sản xuất trong nước theo đúng hướng dẫn trong Thông tư 21/2013/TT-BYT [7] và phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên sản xuất, sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Việc sử dụng nguồn thuốc sản xuất trong nước giúp đảm bảo nguồn cung cấp ổn định, giá thành rẻ, đảm bảo nhu cầu điều trị và hơn nữa giúp giảm gánh nặng về chi phí thuốc cho ngân sách bệnh viện cũng như cho người bệnh .
Về thành phần, tại Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên, thuốc kháng sinh đơn thành phần chiếm tỷ lệ vượt trội về cả số khoản mục và giá trị sử dụng với tỷ lệ là 84,8% và 97% (năm 2021), 80,3% và 89,4% (năm 2022), 82,8% và 89,3% (năm 2023). Kết quả cho thấy Bệnh viện Thủy Nguyên luôn ưu tiên thuốc ở dạng đơn chất và cân nhắc lựa chọn các thuốc đa thành phần đã được chứng minh về hiệu quả điều trị và độ an toàn để sử dụng theo hướng dẫn của Thông tư 21/2013/TT-BYT [7].
Về mức độ tiêu thụ kháng sinh theo liều DDD, theo ghi nhận từ một số nghiên cứu tại một số bệnh viện của Việt Nam và trên thế giới thì cephalosporin, flouroquinolon và penicillin là 3 nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất tính theo DDD/100 ngày giường [3], [8], [9]. Tương đồng với các kết quả trên, trong nghiên cứu của chúng tôi, beta-lactam cũng là nhóm kháng sinh được tiêu thụ phổ biến nhất với giá trị DDD/100 ngày nằm viện là 42,8 (năm 2021), 43,5 (năm 2022) và 36,2 (năm 2023), trong đó Cephalosporin thế hệ 3 có mức tiêu thụ cao nhất với giá trị DDD/100 ngày nằm viện là 22,3 (năm 2021), 26,6 (năm 2022) và 20,1 (năm 2023). Nhóm kháng sinh đứng thứ hai về mức độ tiêu thụ là nhóm quinolon có giá trị DDD/100 ngày giường trong ba năm là 6,9 (năm 2021), 2,9 (năm 2022), 6,4 (năm 2023). Beta-lactam và Quinolon là 2 nhóm kháng sinh có mức độ tiêu thụ lớn nhất Bệnh viện điều này cũng phù hợp với mô hình bệnh tật tại Bệnh viện với bệnh lý viêm phổi là bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao trong các mặt bệnh tại Bệnh viện nói chung (7,3%) và bệnh lý nhiễm khuẩn nói riêng. Đây là một trong số các nhóm kháng sinh được lựa chọn điều trị theo kinh nghiệm viêm phổi cộng đồng mức độ trung bình và mức độ nặng nhập viện [10] và viêm phổi bệnh viện nghi ngờ nhiễm vi khuẩn Gram âm hay điều trị theo kinh nghiệm viêm phổi liên quan thở máy nghi ngờ do nhiễm vi khuẩn Gram âm hoặc vi khuẩn P. aeruginosa theo Hướng dẫn của Hội Hô hấp và Hội Hồi sức-Cấp cứu-Chống độc Việt Nam [11].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, kháng sinh có tổng lượng DDD nhiều nhất ở 4 khoa là Sản, Nội Tim mạch–Hô hấp, Ngoại tổng hợp và khoa Bệnh nhiệt đới, kết quả nghiên cứu phù hợp với đặc điểm của các khoa do đây là các khoa đông bệnh nhân, các mặt bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao. Phần lớn bệnh nhân nằm tại khoa Nội Tim mạch-Hô hấp là các bệnh nhân có bệnh mạn tính về đường hô hấp (hen, copd), mắc kèm nhiều bệnh lý nền phức tạp, tình trạng nhiễm khuẩn nặng nên thường phải phối hợp kháng sinh, thời gian điều trị kháng sinh kéo dài do đó làm gia tăng lượng kháng sinh sử dụng.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đã cho thấy một hình ảnh tổng quát về tình hình tiêu thụ kháng sinh tại các khoa lâm sàng và toàn Bệnh viện trong giai đoạn 2021-2023 thông qua công cụ giám sát DDD/100 ngày nằm viện. Từ đó, giúp cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động theo dõi, quản lý sử dụng kháng sinh trong Bệnh viện và đưa ra các giải pháp can thiệp nhằm đảm bảo việc sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn, hiệu quả. Nâng cao chất lượng điều trị, giúp an toàn và giảm chi phí cho người bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên Hội chẩn sử dụng thuốc kháng sinh sau phẫu thuậtTÀI LIỆU THAM KHẢO
BẢN QUYỀN © 2021 THUỘC VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THỦY NGUYÊN. THIẾT KẾ WEBSITE BỆNH VIỆN BỞI 3SSOFT.VN