Một trong các tác dụng phụ phổ biến được biết đến của thuốc là làm tăng đường huyết. Dưới đây là một số các nhóm thuốc gây tăng đường huyết phổ biến và cách khắc phục:
Glucocorticoid là nhóm thuốc đứng đầu về khả năng làm tăng đường huyết trong máu. Liệu pháp glucocorticoid liều cao có thể dẫn đến khởi phát bệnh đái tháo đường (đái tháo đường do steroid). Tương tự như vậy, những người mắc bệnh đái tháo đường từ trước có thể nhận thấy tình trạng kiểm soát đường huyết xấu đi đáng kể khi họ bắt đầu dùng liệu pháp glucocorticoid. Mức độ tăng glucose phụ thuộc vào tình trạng đường huyết của họ trước khi bắt đầu dùng steroid, liều lượng và thời gian dùng liệu pháp glucocorticoid, và các tình trạng bệnh mắc kèm, cùng với các yếu tố khác.
Xử trí: Đối với những người đã từng kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường hay đạt mục tiêu đường huyết, tình trạng tăng đường huyết do glucocorticoid có thể được kiểm soát bằng sử dụng metformin có hoặc không có liệu pháp sulfonylurea, đặc biệt nếu điều trị bằng corticosteroid ở liều thấp và trong thời gian ngắn hơn. Tuy nhiên, đối với trường hợp đã từng kiểm soát kém bệnh đái tháo đường hoặc những người bắt đầu dùng corticosteroid liều cao, liệu pháp insulin nên được lựa chọn. Liệu pháp glucocorticoid thường dẫn đến tình trạng tăng đường huyết sau ăn rõ rệt hơn so với tình trạng tăng đường huyết lúc đói; do đó, việc sử dụng liệu pháp insulin tác dụng ngắn hoặc có thể là insulin NPH vào buổi sáng có thể là lựa chọn tốt hơn đối với nhiều người. Thay đổi chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế mức độ tăng đường huyết sau ăn. Sử dụng các thiết bị theo dõi glucose liên tục (CGM) cũng có thể rất hữu ích để hiểu được sự thay đổi đường huyết và cách điều chỉnh insulin. Ở những người sử liệu pháp glucocorticoid với liều giảm dần cần phải điều chỉnh liều lượng các thuốc hạ đường huyết như insulin/sulfonylurea, vì mức độ tăng đường huyết có thể giảm khi giảm liều glucocorticoid.
Thuốc chống rối loạn tâm thần có thể gây béo phì; 15% đến 72% số người dùng thuốc chống rối loạn tâm thần thế hệ thứ hai tăng cân từ 7% trở lên. Tăng cân không phải là yếu tố duy nhất góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2. Thuốc chống rối loạn tâm thần được cho là gây ra tình trạng điều hòa giảm tín hiệu insulin nội bào, dẫn đến kháng insulin. Đồng thời, có vẻ như có tác dụng trực tiếp lên các tế bào beta tuyến tụy. Sự đối kháng của thụ thể dopamine D2, serotonin 5-HT2C và muscarinic M3 làm suy yếu phản ứng của tế bào beta với những thay đổi về lượng đường trong máu. Ngoài các tác dụng dược lý, các thí nghiệm nuôi cấy tế bào đã chỉ ra rằng thuốc chống rối loạn tâm thần làm tăng quá trình chết theo chương trình của các tế bào beta. Tăng cân và làm tiến triển nặng thêm bệnh đái tháo đường typ 2 đặc biệt được thấy ở các thuốc phong bế thụ thể muscarinic M3 và histamine H1. Tác dụng lên quá trình chuyển hóa glucose được thấy rõ nhất ở các thuốc như clozapine, olanzapine và haloperidol và ít thấy ở các thuốc như ziprasidone.
Xử trí: Sử dụng các thuốc ít ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose, ít gây tăng cân và chỉ chủ vận một phần đó là các thuốc chống rối loạn tâm thần thế hệ 3.
Thuốc lợi tiểu thiazide thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và có các tác dụng không mong muốn trên chuyển hóa bao gồm: giảm kali máu, tăng cholesterol, tăng triglyceride, tăng lipid máu và tăng glucose máu. Người ta cho rằng giảm kali do các thuốc lợi tiểu thiazid có thể góp phần gây khởi phát bệnh đái tháo đường. Giảm kali máu do các thuốc này dẫn đến giảm tiết và giảm nhạy cảm của insulin, mức độ phụ thuộc vào liều lượng của thuốc.
Xử trí: Theo dõi nồng độ kali đối với những người bắt đầu dùng thuốc lợi tiểu thiazid. Nếu hạ kali máu xảy ra, cần phải điều chỉnh tình trạng hạ kali máu bằng các chất bổ sung kali để giảm nguy cơ khởi phát bệnh đái tháo đường.
Liệu pháp Statin được cho là có liên quan đến tình trạng giảm độ nhạy cảm insulin và suy giảm bài tiết insulin. Theo các phân tích gộp, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường nói chung ước tính là từ 9% đến 12% khi dùng liệu pháp statin. Số lượng ước tính mắc đái tháo đường sau khi dùng statin: 1 trên 255 bệnh nhân dùng liệu pháp statin trong 4 năm có thể khởi phát mắc mới bệnh đái tháo đường. Cần cân nhắc vấn đề này vì đã có bằng chứng mạnh mẽ về việc sử dụng statin trong 5 năm cho những bệnh nhân từ 39 tuổi mắc bệnh tim để ngăn ngừa xảy ra nhồi máu cơ tim không tử vong.
Xử trí: Mặc dù statin có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, nhưng lợi ích của việc sử dụng liệu pháp statin để phòng ngừa bệnh tim mạch nguyên phát và thứ phát lớn hơn đáng kể so với bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào liên quan đến tình trạng tăng đường huyết.
Thuốc chẹn beta là một nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, suy tim, bệnh động mạch vành và loạn nhịp tim. Thuốc chẹn beta không giãn mạch như metoprolol và atenolol có nhiều khả năng liên quan đến việc tăng A1c (glucose trung bình trong máu), cân nặng và triglyceride so với thuốc chẹn beta giãn mạch như carvedilol, nebivolol và labetalol. Tương tự như vậy, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng atenolol và metoprolol có liên quan đến tỷ lệ hạ đường huyết cao hơn so với carvedilol. Những người dùng thuốc chẹn beta có thể che giấu một số triệu chứng hạ đường huyết, chẳng hạn như run rẩy, cáu kỉnh và hồi hộp, trong khi các triệu chứng khác như toát mồ hôi có thể không bị ảnh hưởng khi dùng thuốc chẹn beta.
Xử trí: Giáo dục về cách nhận biết và kiểm soát hạ đường huyết sẽ rất quan trọng khi bệnh nhân bắt đầu dùng thuốc chẹn beta nếu họ đang dùng liệu pháp insulin/sulfonylurea từ trước. Việc sử dụng thiết bị CGM có thể hữu ích nếu có nguy cơ hạ đường huyết cao, đặc biệt là khi các triệu chứng hạ đường huyết thường bị che giấu.
Một số loại thuốc khác — bao gồm liệu pháp kháng virus, thuốc ức chế tyrosine kinase, thuốc ức chế đích của rapamycin (mTOR), thuốc ức chế miễn dịch và interferon alpha — có liên quan đến việc kiểm soát đường huyết kém hơn và khởi phát mới bệnh đái tháo đường. Cần cân nhắc tác động của các thuốc này lên lượng đường trong máu, đặc biệt là ở những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hoặc những người đã mắc bệnh đái tháo đường từ trước đó khi kê đơn.
Một lưu ý đặc biệt nữa là liệu pháp kháng androgen (còn gọi là liệu pháp triệt androgen), bao gồm các lựa chọn điều trị như goserelin và leuprolide, là liệu pháp kích thích giải phóng gonadotropin (GnRH) và thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Tùy thuộc vào bệnh nhân, các thuốc này có thể được sử dụng trong thời gian dài. Theo định nghĩa trên, liệu pháp triệt androgen làm giảm nồng độ testosterone ở nam giới, do đó dẫn đến tình trạng kháng insulin ngày càng trầm trọng hơn. Tăng khối lượng mỡ và teo cơ đi kèm có liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc trên dẫn đến tình trạng kháng insulin ngoại biên. 1 trong 5 nam giới được điều trị lâu dài bằng liệu pháp kháng androgen có thể làm tăng A1c lên 1% hoặc hơn.
Xử trí: Nam giới đang điều trị bằng liệu pháp kháng androgen nên được khuyến khích tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên để giảm kháng insulin và tăng sức khỏe tim mạch.
Bệnh đái tháo đường do thuốc có khả năng hồi phục trong nhiều trường hợp. Tương tự như vậy, tình trạng kiểm soát đường huyết xấu đi do thuốc ở những người mắc bệnh đái tháo đường từ trước cũng có thể giảm khi tác dụng của thuốc hết. Cần theo dõi lượng đường trong máu liên tục để có thể điều chỉnh các thuốc điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, đối với một số bệnh nhân, tình trạng đường huyết xấu đi có thể trở thành mãn tính và có thể cần sử dụng thuốc chống tăng đường huyết trong thời gian dài, đặc biệt là nếu lợi ích của việc tiếp tục dùng các thuốc gây tăng đường huyết lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.
Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/999739?src=mbl_msp_android&ref=shar
Biên soạn: Ths.Ds. Trương Thị Mẫn – Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên - Hải Phòng
BẢN QUYỀN © 2021 THUỘC VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THỦY NGUYÊN. THIẾT KẾ WEBSITE BỆNH VIỆN BỞI 3SSOFT.VN