Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt chiều dài lịch sử 92 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng nhìn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự trưởng thành và phát triển của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ ngày 6/1/1930-8/2/1930, bên cạnh Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình điều lệ tóm tắt của Đảng, Hội nghị còn quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội phụ nữ Giải phóng. Bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã nêu: “Nam nữ bình quyền”. Với nhận định phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng, Đảng đã đề ra nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải gắn liền với giải phóng phụ nữ. Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và vì thế phải thành lập tổ chức riêng để các tầng lớp phụ nữ tham gia hoạt động. Từ ngày 14-31/10/1930, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất, bên cạnh việc thảo luận Luận Cương chính trị của Đảng, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “phụ nữ hiệp hội”. Đồng thời Trung ương Đảng đã đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Với tính chất quan trọng như vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tháng 10/1930 đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là bản Nghị quyết lịch sử, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội.
Trong những năm 1930-1936, tổ chức Phụ nữ Giải phóng dần hình thành, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng chống áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến. Những năm 1936-1938, trước yêu cầu mới của cách mạng, tổ chức cách mạng của phụ nữ được đổi tên thành Hội Phụ nữ Dân chủ, đẩy mạnh tuyên truyền vận động giải phóng phụ nữ, đòi tự do, dân chủ. Những năm 1939-1941, Hội đổi tên thành Hội Phụ nữ Phản đế, tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, chống chiến tranh, đòi hòa bình. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, những năm 1939-1945, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được thành lập, vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập, gồm nhiều đoàn thể phụ nữ. Tháng 4/1950, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc hợp nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tại miền Nam, ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đóng góp sức người, sức của to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội LHPN toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội LHPN cả nước trong một tổ chức là Hội LHPN Việt Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam. Từ đó đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp to lớn trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đạt được những thành tựu to lớn trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới cho Phụ nữ Việt Nam, góp phần chứng minh tính ưu việt của chế độ ta.
Ngày 31/8/2010, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xin chủ trương công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (Tờ trình số 17-TTr/ĐCT, ngày 31/8/2010).
Tới ngày 15/10/2010, Ban Bí thư ra thông báo số 382/TB-TW do đồng chí Trương Tấn Sang ký công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam là ngày 20/10 hằng năm với các ý kiến như sau:
Cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đồng ý công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam là ngày 20/10 thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ và tổ chức phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Hằng năm, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân có hình thức kỷ niệm phù hợp để phát huy truyền thống tốt đẹp của người Phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành tặng.
Kể từ đó, ngày 20/10 hằng năm trở thành Ngày Phụ nữ Việt Nam như một mốc son đầy tự hào về sự ghi nhận chính thức của toàn Đảng, toàn xã hội nhằm tôn vinh vai trò của phụ nữ bởi những đóng góp to lớn của họ cho hạnh phúc gia đình và phát triển xã hội./.
Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên
BẢN QUYỀN © 2021 THUỘC VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THỦY NGUYÊN. THIẾT KẾ WEBSITE BỆNH VIỆN BỞI 3SSOFT.VN