Khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Trước năm 1959, huyện Thủy Nguyên trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Từ tháng 10 năm 1959, Thủy Nguyên mới thuộc về thành phố Hải Phòng. Hệ thống tổ chức y tế huyện Thủy Nguyên những năm đầu sau hòa bình lập lại có Phòng Y tế và các Ban y tế ở cấp xã. Phòng Y tế gồm hai bộ phận: Một tổ làm công tác đôn đốc, hướng dẫn các Ban y tế xã làm vệ sinh phòng chống dịch, chủ yếu làm công tác 3 sạch (ăn sạch, ở sạch, uống sạch), 4 diệt (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt gián) và phong trào xây dựng 3 công trình vệ sinh (hố xí 2 ngăn, nhà tắm, giếng nước); một tổ làm công tác khám chữa bệnh và đỡ đẻ.
Biên chế cán bộ của Phòng Y tế những năm đầu sau hòa bình lập lại chỉ có 9 người: 1 y tá trưởng phòng, 2 y tá điều trị, 3 y tá phòng bệnh, 1 nữ hộ sinh, 1 hộ lý, 1 cấp dưỡng. Các Ban y tế xã chỉ có 1-2 vệ sinh viên (được đào tạo 3-6 tháng), rất hiếm xã có y tá.
Cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu rất nghèo nàn và thô sơ. Phòng y tế lúc đó có 3 nhà tranh tre (một làm văn phòng, một nhà cho khám chữa bệnh với 5 giường lưu bệnh nhân, một phòng sản với 5 giường). Lúc đó không có các xét nghiệm cận lâm sàng, Phòng y tế chỉ được trang bị một bộ dụng cụ chuyên môn do Cộng hòa Dân chủ Đức viện trợ. Còn tại các xã, cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì, các Ban y tế xã thường phải nhờ nhà của dân để làm địa điểm làm việc. Mỗi Ban y tế xã chỉ có một túi thuốc cho hoạt động chuyên môn.
Những năm tiếp sau đó, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống y tế từ huyện xuống xã đã phát triển nhanh chóng cả về con người và cơ sở vật chất. Từ năm 1965 đến năm 1969 đã hoàn thành việc xây dựng các Trạm Y tế xã. Mỗi Trạm Y tế đều có y sĩ và nữ hộ sinh làm việc. Năm 1965, Bệnh viện huyện được xây dựng với 50 giường bệnh. Ban đầu, Bệnh viện chỉ có 1 phòng chức năng bao gồm cả tổ chức, hành chính, hậu cần và tài vụ. Hệ thống chuyên môn mới có Phòng khám đa khoa (bao gồm cả công tác y vụ, X-quang và Xét nghiệm), Khoa Nội, Khoa Nhi, Khoa Ngoại và Khoa Sản. Sau này phát triển và có thêm các khoa Truyền nhiễm, Đông y, Khoa Dược và Phòng Y vụ (được tách ra từ Phòng khám đa khoa).
Đây là thời kỳ chiến tranh ác liệt. Giặc Mỹ nhiều lần leo thang đánh phá miền Bắc. Thủy Nguyên là một trong những điểm bị đánh phá ác liệt nhất. Bệnh viện đã từng phải sơ tán một phần về xã Hòa Bình và An Lư, bộ phận trụ lại vẫn triển khai hoạt động chuyên môn, tổ chức phẫu thuật, cấp cứu thương bệnh binh và nhân dân dưới hầm của nhà dân khu lân cận Bệnh viện. Mặc dù trong điều kiện thời chiến khốc liệt và gian khổ, cán bộ y tế huyện Thủy Nguyên đã không quản nguy hiểm, vất vả, ngày đêm quên mình vì người bệnh. Ông Nguyễn Xuân Đào làm việc tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện, trong một lần đi lĩnh thuốc phục vụ bệnh nhân bị giặc Mỹ đánh bom, Ông nhường hầm trú ẩn cho một phụ nữ đang mang thai tay dắt con nhỏ nên đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ chống Mỹ cứu nước.
Ông là hình tượng tiêu biểu nhất cho tinh thần hy sinh quên mình vì nhân dân của đội ngũ cán bộ y tế huyện Thủy Nguyên trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Các đồng chí cán bộ lãnh đạo đứng đầu Y tế Thủy Nguyên thời kỳ này:
- Năm 1959: Ông Nguyễn Sĩ Thiện là Trưởng phòng Y tế
- Từ năm 1960-1961: Ông Phạm Duy Đức là Trưởng phòng Y tế
- Từ năm 1962-1964: Ông Nguyễn Minh Lý là Trưởng phòng Y tế
- Từ năm 1965-1966: BS Phạm Văn Sinh là Trưởng phòng Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện.
- Từ năm 1967-1976: BS Hồ Vĩnh San là Giám đốc Bệnh viện.
BẢN QUYỀN © 2021 THUỘC VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THỦY NGUYÊN. THIẾT KẾ WEBSITE BỆNH VIỆN BỞI 3SSOFT.VN