Nitrofurantoin và Trimethoprim-Sulfamethoxazol (TMP- SMX) là những lựa chọn ưu tiên trong điều trị viêm bàng quang không biến chứng do trực khuẩn Gr(-) sinh ESBL. Ciprofloxacin, Levofloxacin và Carbapenem là lựa chọn thay thế nhưng không được khuyến khích. Aminoglycosid liều đơn và fosfomicin đường uống cũng là một lựa chọn thay thế nhưng cũng không được khuyến khích. Việc hạn chế sử dụng các kháng sinh trên giúp bảo tồn tác dụng của các thuốc này đối với vi khuẩn trong tương lai, giảm độc tính, đặc biệt đối với Flouroquinolon có liên quan đến nguy cơ kéo dài khoảng QT, viêm gân và vỡ gân, bóc tách động mạch chủ, co giật, bệnh thần kinh ngoại biên và nhiễm Clostridium difficile.
Bệnh viêm bàng quang tác động lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh
Điều trị bằng một liều aminoglycosid tiêm tĩnh mạch (IV) duy nhất là một lựa chọn điều trị thay thế trong bệnh viêm bàng quang do ESBL-E không biến chứng. Aminoglycosid gần như được thải trừ hoàn toàn qua thận. Một liều tiêm tĩnh mạch duy nhất thường có hiệu quả đối với bệnh viêm bàng quang không biến chứng, với độc tính tối thiểu nhưng vẫn thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng chắc chắn. Fosfomycin không được đề xuất để điều trị các bệnh nhiễm trùng do K. pneumoniae và một số vi khuẩn gram âm khác thường mang gen fosA hydrolase có thể dẫn đến thất bại lâm sàng. Một thử nghiệm nhãn mở ngẫu nhiên chỉ ra rằng một liều fosfomycin đường uống có liên quan đến thất bại lâm sàng cao hơn so với liệu trình nitrofurantoin kéo dài 5 ngày đối với bệnh viêm bàng quang không biến chứng. Mặc dù thử nghiệm này không chỉ giới hạn ở bệnh viêm bàng quang do E.coli, nhưng trong phân tích phân nhóm riêng về nhiễm trùng E.coli, kết quả vẫn kém ở nhóm fosfomycin với thất bại lâm sàng vào ngày 14 ở mức 50% ở nhóm fosfomycin so với 22% ở nhóm nitrofurantoin. Lợi ích của fosfomycin đường uống đối với bệnh viêm bàng quang không biến chứng vẫn chưa được biết đến.
Hình ảnh bàng quang bị viêm trên siêu âm
Amoxicillin-acid clavulanic hoặc doxycyclin cũng không được đề xuất kê đơn để điều trị viêm bàng quang do ESBL-E. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã so sánh chế độ điều trị 3 ngày dùng amoxicillin-acid clavulanic với liệu trình 3 ngày dùng ciprofloxacin cho 370 phụ nữ bị viêm bàng quang do E. coli không biến chứng. Tỷ lệ khỏi bệnh trên lâm sàng được quan sát thấy lần lượt là 58% và 77% ở nhóm phụ nữ dùng amoxicillin-acid clavulanic và ciprofloxacin. Tỷ lệ thất bại cao hơn với amoxicillin-acid clavulanic có thể liên quan đến sự xâm nhập dai dẳng của vi khuẩn ở âm đạo, xảy ra lần lượt là 45% và 10% ở nhóm dùng amoxicillin-acid clavulanic và ciprofloxacin. Mặc dù dữ liệu chỉ ra rằng acid clavulanic có thể có hiệu quả chống lại ESBL trên invitro nhưng điều này có thể không mang lại hiệu quả trên lâm sàng. Thiếu dữ liệu chắc chắn chỉ ra rằng amoxicillin-acid clavulanic đường uống có hiệu quả đối với nhiễm khuẩn đường niệu không biến chứng do vi khuẩn tiết ESBL (UTI ESBL-E).
Tham khảo tài liệu tại
https://www.idsociety.org/practice-guideline/amr-guidance/#
Thạc sĩ dược học, Trương Thị Mẫn - Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên
BẢN QUYỀN © 2021 THUỘC VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THỦY NGUYÊN. THIẾT KẾ WEBSITE BỆNH VIỆN BỞI 3SSOFT.VN