Một số quốc gia tại Châu Âu đã quyết định người dân có thể sử dụng các loại vắc xin khác nhau ở mũi tiêm thứ 2 so với mũi tiêm thứ nhất.
Cụ thể, Có 5 nước bao gồm Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Đan Mạch, Đức khuyến cáo tiêm mũi thứ 2 bằng vắc-xin Covid-19 mRNA như Comirnaty hoặc Spikevax (Pfizer hoặc Moderna) sau khi đã tiêm vắc xin vectơ adenovirus, Vaxzevria.
Tại Anh, Chương trình Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của Cơ quan Y tế công cộng Vương quốc Anh đã đưa ra một phụ lục về hướng dẫn chuyển đổi giữa các loại vắc xin. Theo đó, tốt nhất nên tiêm mũi vắc xin thứ 2 cùng loại hoặc cùng nhóm (như cùng có nguồn gốc vector adenoviurs, mRNA hoặc virusCorona bất hoạt) với vắc xin thứ nhất, với khoảng cách thời gian tối thiểu là 8 tuần. Trong một số điều kiện và đối tượng nhất định, có thể tiêm loại vắc-xin Covid-19 thứ hai khác loại thứ nhất, bao gồm:
- Bệnh nhân điều trị tại nhà: đã tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 Pfizer hoặc Moderna ở bệnh viện nhưng không thể quay lại viện để tiêm mũi 2, có thể tiêm mũi thứ 2 vắc-xin Covid-19 AstraZeneca (thuận tiện vận chuyển và bảo quản để tiêm tại nhà hơn).
- Những người gặp phản ứng nặng sau tiêm mũi 1 (bao gồm dị ứng nặng với vắc xin hoặc tá dược, có vấn đề rối loạn đông máu)
- Đơn vị không sẵn có loại vắc xin đã tiêm mũi 1.
Theo hướng dẫn chuyển đổi vắc xin của Cơ quan này, sau khi tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin Covid-19 AstraZeneca, việc tiêm mũi thứ 2 tùy thuộc vào loại vắc xin đang có tại đơn vị.
Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) không cấp phép vắc xin Covid-19 AstraZeneca. Vì vậy, không có khuyến cáo liên quan đến việc tiêm mũi thứ hai sau khi tiêm liều đầu vắc xin Covid-19 AstraZeneca. Hiện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) khuyến cáo không nên kết hợp hai loại vắc xin khác nhau do hiệu quả và độ an toàn chưa được chứng minh. CDC Hoa Kỳ chỉ cho phép kết hợp hai loại vắc xin khác nhau nhưng cùng có nguồn gốc mRNA (vắc-xin Covid-19 của Pfizer hoặc Moderna) và trong điều kiện không thể chỉ định hoặc không có loại vắc xin đã tiêm mũi 1. Hai loại vắc xin cũng cần tiêm cách nhau tối thiểu 28 ngày.
Chiến lược tiêm chủng vắc xin khác loại (heterologous vaccination), trong đó liều thứ 2 được tiêm bằng loại vắc xin khác loại vắc xin của liều thứ nhất trong liệu trình tiêm 2 liều đã từng được áp dụng cho một số loại vắc xin phòng ngừa các bệnh khác [1]. Có cơ sở khoa học tốt để kỳ vọng chiến lược này an toàn và hiệu quả khi áp dụng cho việc tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19.
Việc tiêm chủng vắc xin khác loại có thể cho phép các quần thể được bảo vệ nhanh chóng hơn và sử dụng tốt hơn các nguồn cung cấp vắc xin sẵn có. Hiện tại, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Châu Âu (ECDC) chưa thể đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào về việc tiêm 2 loại vắc xin khác nhau để phòng ngừa COVID-19. Tuy nhiên, kết quả sơ bộ từ các nghiên cứu ở Tây Ban Nha [2], Đức [3-4], và Anh [5] cho thấy đáp ứng miễn dịch tốt và không có lo ngại về vấn đề an toàn thuốc. EMA đang chờ thêm các dữ liệu trong thời gian tới và sẽ xem xét để có các khuyến cáo phù hợp.
Nguồn: http://canhgiacduoc.org.vn/
BẢN QUYỀN © 2021 THUỘC VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN THỦY NGUYÊN. THIẾT KẾ WEBSITE BỆNH VIỆN BỞI 3SSOFT.VN