TÓM TẮT Nghiên cứu được tiến hành nhằm tổng kết số liệu tiêu thụ kháng sinh tại Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên từ năm 2021 đến 2023. Các thông tin được thu thập cho quá trình đánh giá sử dụng kháng sinh theo tiêu chuẩn định trước. Cơ cấu tiêu thụ kháng sinh theo giá trị sử dụng và theo liều xác định hàng ngày DDD được tổng kết và mô tả. Kết quả cho thấy kháng sinh chiếm tỷ lệ 10-15% số khoản mục thuốc trong bệnh viện và chiếm 20-30% tổng tiền thuốc toàn viện. Beta-lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất chiếm 60% khoản mục kháng sinh và trên 80% tiền thuốc kháng sinh toàn viện. Cephalosporin thế hệ 3 là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất trong đó cefoperazon chiếm tỷ lệ cao nhất trong các kháng sinh được sử dụng. Kháng sinh generic, kháng sinh có nguồn gốc sản xuất trong nước và kháng sinh đơn thành phần chiếm tỷ lệ chủ yếu trong danh mục kháng sinh sử dụng tại bệnh viện. Đường dùng phổ biến của kháng sinh là đường tiêm (chiếm > 45% khoản mục và > 70% tiền thuốc kháng sinh toàn viện). Khoa Nội Tim mạch-Hô hấp là khoa có tỷ lệ cao nhất về khoản mục và giá trị sử dụng (chiếm > 50% số khoản mục và khoảng 20% giá trị tiền thuốc kháng sinh). Về mức độ tiêu thụ kháng sinh, beta-lactam là nhóm kháng sinh có mức độ tiêu thụ lớn nhất với giá trị DDD/100 ngày nằm viện dao động trong khoảng 35-45DDD trong đó Cefoperazon có mức tiêu thụ cao nhất (9-24DDD/100 ngày nằm viện). Các khoa có tổng lượng DDD lớn nhất trong ba năm nghiên cứu bao gồm: Sản, Nội tim mạch-hô hấp, Ngoại tổng hợp và Khoa Bệnh nhiệt đới. Khối liên chuyên khoa và hai khoa lâm sàng gồm Mắt và Răng-Hàm-Mặt có tổng lượng DDD thấp nhất nhưng có mức độ tiêu thụ kháng sinh lớn nhất. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động theo dõi, quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, đánh giá hiệu quả của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh theo Quyết định số 5631/QĐ-BYT [1] và QĐ số 2115/QĐ-BYT [2] từ đó đưa ra các giải pháp can thiệp nhằm đảm bảo việc sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn, hiệu quả, giảm kháng thuốc.
Chi tiết